Cần thống nhất cách dạy giáo dục kĩ năng sống
- Thứ hai - 30/10/2017 08:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các trường học hiện nay “tự bơi” trong môn học kỹ năng sống
Chưa có sự thống nhất trong dạy và học
Mặc dù ngành GD – ĐT đã triển khai đại trà đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống (KNS) vào chương trình học chính khóa trong các trường từ năm học 2011-2012 nhưng sau 6 năm, việc thực hiện môn học này lại chưa thực sự hiệu quả, hầu hết các trường và các giáo viên giảng dạy đều “tự bơi” bởi chưa có bất cứ một cuốn sách giáo khoa KNS hay tài liệu chính thống nào do bộ GD-ĐT cung cấp.
Cũng vì “tự bơi” nên mỗi trường làm một cách dựa theo năng lực và điều kiện của từng trường. Và điều cần thiết lúc này là một chương trình thống nhất xuyên suốt giữa các cấp học, bậc học cũng như là những tài liệu được thẩm định chặt chẽ, được hướng dẫn cụ thể, khoa học dành riêng cho môn KNS.
Cô Mạc Thị Thơ – giáo viên tổng phụ trách trường THCS Vĩnh Lập – Hải Dương cho biết: “Việc giáo dục KNS cho học sinh là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với học sinh vùng nông thôn. Các em đang thiếu các kiến thức kỹ năng sống rất nhiều. Tôi mong môn KNS sẽ được đưa thành môn học riêng trong các cấp học để các em được trang bị nhiều kiến thức hơn, vững bước hơn trong tương lai.”
Thế nhưng, một nghịch lý lại xảy ra khi mà việc giáo dục KNS tại các trường phổ thông hiện mới chỉ dừng lại ở những tiết học đạo đức, giáo dục công dân, những giờ sinh hoạt ngoại khóa, thậm chí là lồng ghép trong một số môn Tiếng Việt, mỹ thuật,...
Việc học KNS ở trường chưa thực sự hiệu quả đã tạo điều kiện ra đời cho hàng loạt các trung tâm, khóa học tư nhân đào tạo KNS dưới nhiều hình thức, nhiều tên gọi khác nhau. Và điều đáng nói ở đây vẫn là không có một giáo trình chính thống nào trong đào tạo những kỹ năng này.
Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó GĐ Sở GD&ĐT Tỉnh Hải Dương cho rằng: “ dư luận cách đây không lâu từng xôn xao câu chuyện về dạy KNS cho học sinh tiểu học thông qua hình thức đi trên mảnh thủy tinh vỡ để vượt qua sự sợ hãi, thể hiện lòng dũn g cảm hay tình huống sờ vùng kín để dạy về kỹ năng tự bảo vệ mình,... đã đặt ra một dấu hỏi về sự phù hợp hay chưa những giáo trình được dịch từ nước ngoài”.
Trước khi có một giáo trình chính thống, việc giảng dạy KNS trong nhà trường phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của đội ngũ giáo viên. Đối với khối tiểu học và trung học cơ sở, việc giảng dạy kỹ năng sống lại được giao chủ yếu cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tổng phụ trách trong trường. Điều này dẫn đến tình trạng có một số giáo viên rụt rè, ngại dạy do chưa được trang bị kiến thức, cũng như phương pháp giáo dục cho môn học đặc biệt này.
Khó khăn cần giải quyết
Như đã nói ở trên, giảng dạy KNS ở nước ta vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là không có một giáo trình hay một tài liệu chính thống nào để đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc xuất bản giáo trình KNS xuyên suốt trong các cấp học, Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch số 363/KH-BGDĐT ngày 6/6/2016 về việc tổ chức biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục đạo đức - lối sống văn hóa” và “Thực hành kỹ năng sống” sử dụng trong các trường phổ thông, đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp.
Cho đến nay, Bộ mới chính thức tổ chức thẩm định và ban hành được hai bộ tài liệu về kỹ năng sống đó là: Bộ tài liệu 15 cuốn dành cho giáo viên về Giáo dục kỹ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục ở Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông (theo Quyết định số 2188/QĐ-BGDĐT ngày 24/6/2014 của Bộ GDĐT) và 9 cuốn “Thực hành kỹ năng sống” dành cho cấp tiểu học và trung học cơ sở từ lớp 1 đến lớp 9 do PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chủ biên (theo Quyết định số 2368/QĐ-BGDĐT ngày 13/7/2017 của Bộ GDĐT).
Theo chia sẻ của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch hội Tâm lý học xã hội Việt Nam – chủ biên bộ sách: “Một ưu điểm của bộ sách giáo dục KNS này đó là sự khác biệt khá lớn giữa sách học sinh và sách giáo viên. Đối với sách học sinh, sách có thiết kế sẵn những mục đích, yêu cầu cần đạt được ở trẻ, được viết dựa trên sự hoạt động của trẻ. Đối với sách giáo viên, sách không cầm tay chỉ việc mà có gợi ý về cách tổ chức từng hoạt động có trong sách học sinh. Điều này sẽ giúp các thầy cô phát huy sự sáng tạo của mình trong phương pháp dạy học”.
Mặc dù đã có riêng một bộ sách KNS chính thống thế nhưng số tiết học tổng thể của chương trình giáo dục phổ thông vẫn giữ nguyên số tiết. Trong sách cũng đề cập đến rất nhiều hoạt động gợi mở cho thầy cô, giúp các thầy cô có thể thiết kế những buổi học ngoại khóa, sử dụng thời gian trải nghiệm của học sinh để giáo dục KNS.
Như vậy, có thể thấy vấn đề quá tải là điều hoàn toàn có thể tránh khỏi. Đặc biệt trong chương trình KNS, các tác giả đã xây dựng những bài giúp các em thích nghi với áp lực vượt qua những mâu thuẫn, xung đột và có khả năng tự học, tự phát triển mình.
Cô Phạm Thị Phương – giáo viên trưởng tiểu học Ngọc Châu – Hải Dương chia sẻ: “Trước đây trong quá trình giảng dạy, giáo viên dạy KNS gặp phải rất nhiều khó khăn bởi vì chưa được đào tạo nhưng thông qua buổi tập huấn tôi đã trang bị được rất nhiều kiến thức cần thiết cho việc giảng dạy”.
Từ thực tiễn “ loạn” sách KNS và việc dạy và học KNS “ mỗi nơi một kiểu”, thì việc Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định, cho phép ban hành bộ sách KNS đạt chuẩn sẽ phần nào giúp các nhà trường, các vị phụ huynh hiểu thấu đáo và chính xác hơn về môn học mà con em mình đang cần phải học. Đồng thời có thêm cơ sở để xây dựng giáo án, thiết kế bài giảng lồng ghép KNS vào các môn học một cách hợp lý, đúng hướng và hấp dẫn.
Việc triển khai thực hiện để đưa bộ tài liệu vào các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học KNS, phụ thuộc rất lớn vào sự chỉ đạo của các Sở GD&ĐT và sự hưởng ứng của các nhà trường phổ thông.