banner

MONG CHỜ MỘT NGÀY MAI

Mong chờ một ngày mai
         
nam ti 1
Đường đến bản Nậm Ty - Thanh Nưa

          Con đường heo hút, trơn trượt xa tít tắp. Đi mãi mà vẫn chỉ thấy núi rừng và có lẽ ai ở thành phố tới đây chắc không nghĩ rằng đó là con đường dẫn đến nơi có người ở. Những bãi lầy của con đường đất đỏ sau những cơn mưa dài ngày có vẻ gây nản chí cho người đi đường. Cô trò chúng tôi động viên nhau kiên trì đi tiếp, cuối cùng đã thấy bản Nậm Ty hiện ra mờ mờ trong làn sương sớm. Những nóc nhà lá vẫn đang ướt át bởi những giọt mai còn đọng. Hỏi thăm mãi và mất một đoạn đường đi bộ, cô trò cũng tìm được nhà của A Thọ.
          Có một người phụ nữ khuôn mặt khắc khổ, nét mặt hiện lên những nhọc nhằn của cuộc sống bộn bề lo toan. Chị nghe thấy tiếng gọi mà cứ ngơ ngác nhìn. Có lẽ gia đình chị ít có khách lạ.
          Tôi mạnh dạn tiến lên trước mặt chị .
          - Chào chị Dếnh! Tôi là giáo viên chủ nhiệm của em Thọ. Hôm nay, tôi và các  em học sinh cùng lớp đến thăm gia đình.
          Vẫn cái nhìn ngơ ngác và giờ thì cộng thêm sự im lặng. Một lúc sau mới thấy lời chị thốt ra. Đó là những từ tiếng Thái. Không hiểu hẳn cả câu nhưng tôi biết là chị mời chúng tôi vào nhà.
          Ngôi nhà lá đơn sơ, chỉ có chiếc bàn gỗ cũ đã bị mòn vẹt một bên là thấy có giá trị nhất. Người phụ nữ cầm chiếc ấm đã bị năm tháng làm móm méo và đầy vết bẩn bám vào. Đôi tay chị chằng chịt những sẹo mới sẹo cũ. Chúng tôi im lặng đón nhận những bát nước mới đun còn nóng hổi như những đứa trẻ được mẹ phát quà khi chợ về. Bấy giờ đã yên vị, cô học trò nhỏ người dân tộc Thái của tôi mới bảo nhỏ với tôi là mẹ Thọ không biết nói tiếng Kinh, bà là người Thái đến làm vợ trai bản Mông.
          Câu chuyện mới đầu thật tẻ nhạt. Những gì người phụ nữ ấy nói tôi muốn biết rõ được đều phải qua ''phiên dịch viên" học sinh  của tôi.  Ngồi lúc lâu, thấy cô trò chúng tôi cũng gần gũi, chân thật nên chị đã dốc hết bầu tâm sự. Mỗi một lời thốt ra từ miệng chị dù tôi không rõ nghĩa nhưng nghe giọng điệu và nét mặt tôi đã thấy phần nào ý nghĩa của nó. Mỗi lời ấy như những chiếc kim nhọn đâm nhẹ vào lòng tôi gây tê tái.
          Một gia đình với 11 miệng ăn mà chỉ trông vào mảnh nương  sau nhà. Nguồn nhân lực lớn nhất mà gia đình có được là người phụ nữ này sao? "Người đàn ông là trụ cột gia đình đã ra đi về thế giới bên kia hơn 3 năm nay rồi. Những đứa con còn nhỏ quá, chúng chưa biết đi làm nương...có thằng lớn thì đã đi làm thuê xa mà chẳng thấy nó về". Mỗi lời nói của chị hòa lẫn với những tiếng nấc nghẹn ngào trong dòng nước mắt mặn chát. Người phụ nữ ấy vẫn còn đủ sức để thổn thức đã là tốt lắm rồi.
          Tôi vỗ nhẹ vào tay cô trò nhỏ và quay sang hỏi người đàn bà không biết tiếng kinh ấy:
          - Cháu Thọ bảo cuối tuần về nhà. Cháu đi đâu rồi hả chị?
          - Nó ngoan lắm! Về nhà cái là tìm miếng ăn ngay. Khi thì nó lên nương đào sắn mót, khi thì vác thuổng vào sâu trong rừng để kiếm củ mài. Tôi gượng dậy được mà sống đến ngày hôm nay là nhờ nó đấy! Nó cũng kể về cô giáo và các bạn ở lớp nhiều. Nó bảo cô và các bạn tốt lắm!
          Sương đã tan để lộ rõ nét những cành cây, chiếc lá nhưng sao miền núi rừng biên giới nơi đây vẫn có cái gì u sầu đến lạ. Cái tĩnh mịch, u buồn như bao trùm cả cảnh vật lẫn con người nơi đây. Cơn gió tạt qua, tôi rùng mình cảm nhận được cả hơi lạnh của đá núi, hơi lạnh nước suối mùa đông của miền sơn cước Việt Lào. Nghĩ tới cái bếp lửa nồng ấm đang rực cháy trong căn nhà lá, tôi đang định quay trở vào, chợt nhận ra bóng dáng cậu học trò của tôi phía xa xa.
          Thọ đã về, em bất ngờ và ngại ngùng. Khuôn mặt và câu chào ấp úng của em đã lộ rõ điều ấy. Bên cạnh em là một cô bé, tuổi chừng mười lăm, mười sáu với cài bụng bầu nặng nề báo hiệu ngày sắp sinh. Cô bé chẳng chào tôi và cũng không nói gì, chỉ nhìn chằm chằm như tôi là người ngoài hành tinh vậy. Một ý nghĩ thoáng lướt qua đầu tôi nhưng tôi không dám nghĩ đó là sự thật.
          Những đốm lửa cháy làm ấm cả căn nhà. Củi ở đây rất sẵn nên người ta đã lựa được thứ củi vừa nỏ mà lại không khói. Hơn chục con người, phần lớn là trẻ nhỏ quây quần bên bếp. Im lặng. Im lặng của con người sao cũng giống không gian của chốn thâm sâu này.            
          - A Thọ! Tại sao em lại nghỉ học nhiều như vậy? Sao em không cho cô và các bạn biết lí do?             
          Tôi phá vỡ bầu không khí im lặng bằng những câu hỏi mà Thọ đoán trước là mình sẽ phải trả lời. Thọ cúi mặt, quơ thanh củi nhỏ gạt than ra cho lửa cháy to hơn. Em cố né tránh cái nhìn như dò xét của tôi chăng. Nhưng không, đó chính là hành động để em lấy lại bình tĩnh mà tâm sự rõ hơn cho cô giáo và các bạn hiểu hoàn cảnh của mình. Qua lời Thọ, tôi - một cô giáo trẻ từ miền xuôi lên vùng núi dạy học, mới thấy thấm thía cái giá của cuộc sống con người biết bao. Suy nghĩ của tôi đã đi vào thực tế hơn những gì mình tưởng. Bởi nơi núi rừng hoang vu này không chỉ có một cậu học trò con nhà nghèo, gia đình vẫn còn ảnh hưởng những tập tục lạc hậu xưa, mà tôi tin chắc còn nhiều hơn thế. Quả thực, qua những giờ trên lớp, tôi chỉ thấy Thọ là một cậu học sinh ngoan, hiền lành, chăm chỉ, lực học khá cứng và cậu bé có đặc điểm rất ít nói. Có vài lần thấy em đi bộ, tôi cũng chở em về phòng trọ. Và đôi ba lần em nghỉ học không lí do, tôi nghĩ em ốm nên đã đến tìm nhưng đều không thấy em ở phòng trọ. Một cậu học sinh đáng quan tâm giúp đỡ nhưng cũng thật có nhiều điều khó hiểu. Giờ đây những điều khó hiểu ấy đã vỡ òa trong tôi. Hai năm học đều phải bỏ dở giữa chừng. Khi đang học lớp 10 vì mẹ ốm đau, các em còn quá nhỏ, Thọ lấy vợ theo ý nguyện của mẹ :"Con đi học thì còn có người làm nương giúp mẹ". Năm nay, Thọ chuyển vào học ở trường cấp 3 Thanh Nưa, mọi khoản tiền em đều được miễn. Đặc biệt được sự giúp đỡ của cô và các bạn em cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng học hết kỳ I...cũng là lúc cái tết Mông đang về với bản làng. Tiếng khèn réo rắt như giục bạn tình tìm về núi, nơi có người thương. Con nai, con sóc đến kì sinh nở còn có bầy cơ mà. Thọ không về nhà lúc này thì còn ai sẽ giúp vợ đây. Nhìn gương mặt cậu học trò sắp được làm ông bố trẻ, tôi vừa thấy thương cho em, vừa thở dài cho số phận con người.                                         
          Bước chân ra về, tôi ngoái đầu nhìn lại một lần nữa hình ảnh cậu học trò gầy gò, hình ảnh người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ với cái dáng đứng đang xiêu vẹo như dáng của ngôi nhà ấy. Tôi chạnh lòng ghê gớm! Tôi sẽ làm được gì để giúp em lúc này đây Thọ ơi. Chỉ mong em nhớ lời cô, hãy quay trở lại với ngôi trường cấp 3 sớm nhất khi có thể. Bởi đó sẽ là con đường để giúp em có được một tương lai tươi sáng.
          Mặt trời vén mây tự khi nào, xóa tan hẳn không gian mù sương của bản Nậm Ty. Những ánh dương vàng nhảy múa tung tăng như vẫy gọi một ngày mai.
Nam ti 2
Thọ và cô giáo (đứng giữa) cùng các bạn
( Ảnh chụp tại ngôi nhà của A Thọ trên bản Nậm Ty B)


                                                                                                                                                                      Điện Biên năm 2011

Tác giả bài viết: Trần Thị Thanh Huyền

Nguồn tin: Nguyên GV môn Ngữ Văn - Trường THPT Thanh Nưa

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản mới

Số 41/QĐ-THPTTN

Quyết đinh công khai giao bổ sung dự toán chi ngân sách 2023

Lượt xem:19 | lượt tải:20

12- QĐ/THPT TN

Quyết định công khai dự toán thu, chi Ngân sách quý IV-2023

Lượt xem:41 | lượt tải:11

11- QĐ/THPT TN

Quyết định công khai giao dự toán Ngân sách 2024

Lượt xem:44 | lượt tải:18

593- QĐ/THPT TN

Quyết định ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2024

Lượt xem:113 | lượt tải:60

598- QĐ/THPT TN

Quyết đinh công khai tài sản công năm 2023

Lượt xem:63 | lượt tải:24
Video xem nhiều nhất
Tìm kiếm tài liệu

Thông tin thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay682
  • Tháng hiện tại24,618
  • Tổng lượt truy cập1,541,206
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THANH NƯA
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Địa chỉ: Xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
email: thptthanhnua@gmail.com
Điện thoại liên hệ: 02153.962.111
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây