banner

ĐI ĐỂ KHẲNG ĐỊNH MÌNH

Người đời vẫn nói "Thay đổi để trưởng thành...". Thay đổi khi con người ta còn trẻ. Với tôi, tuổi 39 - gọi là “tứ tuần” - cái tuổi mà người ta đã ngại thay đổi. Ấy vậy mà với tôi – năm đó – lại là sự thay đổi như một "nhân duyên"!
          Năm 2009, khi đang là giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, mới chỉ kinh qua quản lí cấp Tổ chuyên môn và được bồi dưỡng nghiệp vụ Quản lí giáo dục 3 tháng, vậy mà tôi phải gánh vác nhiệm vụ “Tạo dựng nền móng cho cả một ngôi trường”. Tôi được Ngành tin tưởng giao nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Thanh Nưa. Khi ấy, trong tôi rất nhiều lo lắng và có chút hoang mang...
          Ngày ấy, đồng chí Phó Giám đốc và một số đồng chí phòng chuyên môn của Sở Giáo dục - Đào tạo đưa tôi đến trường THCS Thanh Nưa và trường Tiểu học Thanh Nưa để “gửi gắm”; khi đó còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi được cho mượn 02 phòng làm việc và 04 gian lớp học, công tác tuyển sinh thì bắt đầu từ con “số 0”.
          Thế rồi năm học đầu tiên cũng bắt đầu, học sinh nhập học rất đông (194 em/ 4 lớp 10). Đi ở nhờ, nhưng thầy trò chúng tôi rất vui vẻ, hào hứng. Ngoài giờ học chúng tôi còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho Cán bộ giáo viên và học sinh. "Vạn sự khởi đầu" tốt đẹp!
          Sau một năm chúng tôi được chuyển về cơ sở mới tại Đội 25 Hồng Lệnh- xã Thanh Nưa. Tôi là cán bộ quản lí đầu tiên được đi nhận bàn giao đất xây dựng trường. Rồi ngôi trường mái đỏ, bề thế mọc lên. Qua năm tháng, cây xanh đã rợp bóng; hàng ban mùa về hoa nở rực rỡ, sắc trắng tinh khôi. Chúng tôi thực sự biết ơn các cấp lãnh đạo đã có tầm nhìn chiến lược, quyết định đầu tư một ngôi trường tuy ở vị trí xa đường quốc lộ, nhưng lại có mặt bằng rộng, khuôn viên đẹp, cơ sở vật chất khang trang.
          Sau 10 năm dựng xây và phát triển, đến nay, có thể tự hào rằng Trường THPT Thanh Nưa đã trở thành một ngôi trường đẹp nhất nhì trong tỉnh Điện Biên. Nhưng cái đẹp của nó thực sự phải hiểu đúng nghĩa đầy đủ nhất – đó là "cái Đẹp nhân văn"!
          Đối với tôi, trường THPT Thanh Nưa rất đẹp, bởi nó đã mang một sứ mệnh cao cả: Trở thành một địa chỉ giáo dục có chất lượng, là nơi cho con em đồng bào dân tộc các xã biên giới, khó khăn như Mường Pồn, Thanh Nưa, Hua Thanh, Thanh Luông được học tập, rèn luyện, nâng cao dân trí.


          Là một cán bộ quản lí, 8 năm đầu tôi được Hiệu trưởng phân công phụ trách chuyên môn - công việc thầm lặng so với “Phó phụ trách phong trào” - nhưng đó chính là nhiệm vụ trọng tâm căn bản của một nhà trường. Học sinh đầu vào thấp, làm sao để có chất lượng 2 mặt giáo dục,  thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp đạt kết quả ngang hoặc cao hơn mặt bằng chung của tỉnh? Đó là điều mà tôi luôn trăn trở, thường xuyên bàn bạc với các tổ trưởng chuyên môn tìm giải pháp, tham mưu với Hiệu trưởng để có được hướng đi đúng, giải pháp có hiệu quả. Và chính bằng nhiệt tình, tâm huyết, sự đoàn kết nội bộ mà chúng tôi đã nâng cao được chất lượng giáo dục qua các năm. Chỉ sau 4 năm thành lập, trường đã được công nhận là Trường THPT đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục, kết quả thi tốt nghiệp, thi giáo viên giỏi cấp tỉnh không thua kém những trường THPT ở vùng thuận lợi.
Hàng năm để đạt được chỉ tiêu tuyển sinh Ngành giao, chúng tôi phải làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền phối hợp với chính quyền địa phương; cán bộ giáo viên nhà trường không quản ngại khó khăn, phải vượt qua những con đường dốc đứng, lầy lội, trơn trượt để đến từng thôn, bản, đến từng gia đình học sinh để tuyển sinh, vận động các em tiếp tục học cấp THPT.
          Lo "đầu vào", lại đến "đầu ra"- Bài toán Nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia cũng đòi hỏi phải đổ bao tâm sức! Mỗi mùa thi nóng nực, căng thẳng, đối với học sinh chúng tôi phải nêu cao phương châm "vừa dạy- vừa dỗ", luôn quan tâm, giám sát, động viên và phối hợp với gia đình trong công tác quản lí, tự học của học sinh. Đặc biệt với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã kêu gọi được các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ hỗ trợ để các em vươn lên học tập, đạt kết quả cao, không bỏ học giữa chừng.

          Để cho các em học sinh bán trú khi xa gia đình đến học tại trường không có cảm giác lo âu, buồn chán, ngoài giờ các thầy cô cùng vui chơi các hoạt động thể thao, văn nghệ, chăm sóc dạy dỗ các em; thường xuyên tổ chức các hoạt động như Vui trung thu, Hội thi "Bánh chưng xanh - Góp tình trao quà Tết", "Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ"...
Đối với CBGV, tôi luôn lấy phương châm "khách quan, công bằng" làm trọng!
          Làm cán bộ quản lí, nhiệm vụ chính trị đặt lên hàng đầu là “Chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường”. Với chúng tôi, thông điệp hướng tới thành công chính là: “Đoàn kết -  gắn bó -  chia sẻ - hợp tác”.
Trên hành trình 10 năm,  đến nay có khoảng 1/3 trong tổng số CBGV gắn bó từ những ngày đầu, trong đó có những người có cuộc sống khó khăn, thăng trầm, sức khỏe yếu... nhưng chúng tôi vẫn luôn sát cánh bên nhau. Thực sự trong tôi “Mái nhà chung Thanh Nưa" đã mang lại nguồn động lực giúp tôi thêm yêu Đời, yêu Nghề.
 

          Làm công tác quản lí nhưng tôi vẫn "ham dạy"; học trò hồn nhiên, ngây ngô đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui – hạnh phúc. Tôi coi chúng như Con, còn chúng gọi tôi là Mẹ. Tôi tự hào là "Bà mẹ của 500 đứa con".
 

          Động lực để tôi không ngừng vươn lên chính là tình cảm ấm áp, chân thành của đồng chí, đồng nghiệp – những người đáng tuổi con, tuổi cháu nhưng hết lòng tin yêu quý mến. Còn điều mà tôi cảm nhận sâu sắc là đội ngũ đồng nghiệp của chúng tôi thân thiết như anh em một nhà. Chúng tôi cùng chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn làm nên “Thương hiệu của nhà trường”.
Cuộc đời thăng trầm dâu bể gần 30 năm trong nghề, 50 tuổi đời nhưng thực sự tôi đã đi... và đã cập bến bờ hạnh phúc - Hạnh phúc của "Người gieo hạt" thầm lặng.
          Có thể ngôi trường của chúng tôi không lớn, chưa có bề dày thành tích, song với "Mục tiêu dân trí"- Tôi thấy mình đã thành công. Tôi đã đi... và đã đến -  mảnh đất có Ngôi nhà hạnh phúc mang tên "Trường THPT Thanh Nưa".
 

                                                                       
                                                                                                                                       (Điện Biên, tháng 7 năm 2019)
 

Tác giả bài viết: ThS: Lê Kiều Oanh

Nguồn tin: Th.s Lê Thị Kiều Oanh - Hiệu trưởng:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

150-KH/THPTTN

KH triển khai Luật Lưu trữ

Lượt xem:14 | lượt tải:9

577- QĐ/THPT TN

QĐ CÔNG KHAI BỔ SUNG ĐIỀU CHỈNH DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NĂM 2024; Biểu công khai điều chỉnh dự toán chi ngân sách tháng 11-2024

Lượt xem:30 | lượt tải:22

02

Bảng công khai thực đơn năm học 2024-2025 (lần 2)

Lượt xem:41 | lượt tải:12

518- QĐ THPTTN

QĐ công khai NS 9 tháng năm 2024

Lượt xem:41 | lượt tải:24

Số 1116/QĐ/TTg

Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lưu trữ

Lượt xem:11 | lượt tải:6
Video xem nhiều nhất
Tìm kiếm tài liệu

Thông tin thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay912
  • Tháng hiện tại19,120
  • Tổng lượt truy cập1,779,223
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THANH NƯA
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Địa chỉ: Xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
email: thptthanhnua@gmail.com
Điện thoại liên hệ: 02153.962.111
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây