Trường THPT Thanh Nưa, ngôi trường nằm trên địa bàn xã biên giới của huyện Điện Biên có trên 95% học sinh là dân tộc ít người, chủ yếu là học sinh dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Mường, Tày...có trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn. Trên hành trình 10 năm tuổi, trải qua bao khó khăn từ những ngày đầu thành lập đến nay nhà trường đã khẳng định được vị thế của mình trong nền Giáo dục Tỉnh nhà. Trên hành trình đó, người đặt "nền móng viên gạch đầu tiên" chính là cô giáo Lê Thị Kiều Oanh - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường.
Ngày ra trường, cô sinh viên khoa Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội I mang bao niềm khát vọng, mơ ước của tuổi trẻ trở về tỉnh nhà công tác và được phân công giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường PTTH Điện Biên II (nay là trường THPT huyện Điện Biên); đến năm 1994 cô được chuyển về công tác tại trường PTTH Điện Biên I (nay là THPT Thành phố Điện Biên Phủ); năm 1995, Trường PT năng khiếu Tỉnh Lai Châu (cũ) được thành lập, cô cùng với một số đồng nghiệp đã trở thành lớp CBGV đầu tiên xây dựng nhà trường - trở thành thành viên của ngôi nhà chung THPT Chuyên Lê Quý Đôn - để thực hiện công tác mũi nhọn và ôn thi đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Năm học 2009-2010, cô được Ngành giao nhiệm vụ ở cương vị công tác: làm phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên (Theo Quyết định số 205/QĐ/SGD – ĐT, ngày 10/7/2009 của Chủ tịch UBND Tỉnh Điện Biên). Tháng 6 năm 2009 cô cùng đồng chí nhân viên kế toán Phạm Thị Thanh Tâm nhận quyết định về trường, bắt tay vào công tác tuyển sinh. Lúc bấy giờ, nơi xây dựng trường vẫn là một bãi trồng màu, cỏ mọc xanh um. Trường chưa có, học sinh chưa có, lớp học học nhờ trường THCS và Tiểu học Thanh Nưa. Hai cô trò đến từng xã, thôn bản làm công tác tuyển sinh vận động học sinh ra lớp. Với lòng tận tâm của hai cô, các em học sinh từ các xã Thanh Nưa, và một số bản thuộc địa phận xã Mường Pồn, Thanh Luông đã lần lượt đăng kí vào học. Năm học đầu tiên nhà trường đã tuyển sinh được 4 lớp 10 với 194 học sinh. Đến nay quy mô trường, lớp ngày càng mở rộng và phát triển.
Gần ba mươi năm gắn bó với Sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà, mười năm gắn bó với mái trường THPT Thanh Nưa, cô giáo Lê Thị Kiều Oanh đã cùng đồng nghiệp của mình làm nên những thành tích đáng tự hào: Xây dựng Trường THPT Thanh Nưa trở thành một địa chỉ Giáo dục có chất lượng trên địa bàn Biên giới khó khăn. Nhiều năm liền nhà trường được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”; Chi bộ đạt “Trong sạch vững mạnh”; Trường THPT đạt chuẩn quốc gia trên lộ trình ngắn nhất – khi mới 4 năm tuổi; Đặc biệt năm 2014 Trường được Huyện ủy Điện Biên tặng Giấy khen; là một trong mười ba đơn vị tiêu biểu xuất sắc nhất trong toàn tỉnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong đợt Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bản thân cô trong quá trình công tác, cũng đạt được những thành tích đáng trân trọng như: đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh; 19 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2004 được tặng kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; được nhận Bằng khen của Ủy Ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, 2 lần được Bộ Giáo Dục và Đào tạo tặng Bằng khen; Và thật đáng tự hào, trong Lễ tọa đàm kỉ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức (Ngày 17/11/2017 tại Trung tâm Văn hóa Tỉnh Điện Biên), cô đã vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ gặt hái được nhiều thành công trong công tác giảng dạy và quản lí xây dựng nhà trường, cô còn tích cực tham gia vào các hoạt động chuyên môn sâu của Ngành, đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng như: Giám khảo Hội thi giáo viên Giỏi cấp Tỉnh; thi HS giỏi các cấp; Hội đồng chấm thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn; là một GV cốt cán của Ngành rất tâm huyết tận tụy trong công tác bồi dưỡng đội ngũ, có uy tín và ảnh hưởng sâu sắc đối với "Làng Văn"; là Chi hội trưởng Chi hội Văn học Ngành Giáo dục, thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Điện Biên, cô còn say mê sáng tác thơ, văn- "thắp Lửa yêu Người, yêu Nghề".
Với những đóng góp, cống hiến không mệt mỏi cho nhà trường và Ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh Điện Biên, năm học 2018-2019, được sự tín nhiệm của Ngành và tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên toàn trường, cô đã vinh dự được đón nhận nhiệm vụ công tác quản lí mới: Hiệu trưởng trường THPT Thanh Nưa (Theo Quyết định số 2852/QĐ/SGD – ĐT, ngày 24/7/2018 của Giám đốc Sở GD&ĐT Tỉnh Điện Biên)
Trong suốt quá trình công tác, cùng với Chi ủy, Ban giám hiệu và tập thể sư phạm nhà trường, cô đã vất vả, trăn trở đề xuất nhiều giải pháp có tính chiến lược trong công tác tuyển sinh; phối hợp với chính quyền địa phương các xã trên địa bàn; thậm chí xuống tận thôn bản để tuyên truyền vận động học sinh ra lớp; phối hợp với các đồn biên phòng Thanh Luông, Mường Pồn trong công tác dân vận. Tuyên truyền vận động các tổ chức xã hội hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó với những suất học bổng: “Nâng bước em đến trường”,“Ngăn dòng bỏ học”. Từ những giải pháp chiến lược và hiệu quả đó trong những năm gần đây nhà trường luôn vượt chỉ tiêu tuyển sinh Ngành giao, mở rộng quy mô trường lớp.
Trong công tác chăm nuôi học sinh bán trú, cô cũng dành nhiều tâm huyết từ những việc làm nhỏ bé thiết thực, coi học sinh như đàn con thân yêu. Cô cùng với đội ngũ cán bộ giáo viên luôn quan tâm sát sao từng miếng ăn, giấc ngủ cho học sinh. Tạo dựng nề nếp khu nội trú sạch đẹp, ngăn nắp để phụ huynh yên tâm gửi gắm con em. Không những thế trong kì thi THPT Quốc gia hàng năm cô còn vận động các tổ chức xã hội, các lực lượng trên địa bàn như Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc E24 – Bộ Công an, Tiểu Đoàn CSCĐ Tây Bắc (D1, E24 - Bộ Công an); Trung tâm Văn hóa tâm linh Linh Quang, các Đồn biên phòng Thanh Luông, Mường Pồn, Mường Mươn... ủng hộ, động viên các em học sinh để đạt kết quả thi THPT Quốc gia cao nhất. Trong lễ khai giảng năm học 2019- 2020, cô đã kêu gọi các tổ chức từ thiện thực hiện chương trình trao học bổng “Áo ấm cho em”, trao tặng 190 xuất quà cho học sinh nghèo vượt khó.
Có thể nói, với gần 50 năm tuổi đời, 28 năm tuổi nghề, cô giáo Lê Thị Kiều Oanh vẫn luôn thầm lặng cống hiến hết mình cho Sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Cô thật xứng đáng là một nhà giáo tiêu biểu trong Ngành Giáo dục và là "tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo" để các đồng nghiệp và học sinh học tập, noi theo.